Top cách làm bánh trung thu không cần lò nướng siêu ngon tại nhà

8967

Cách làm bánh trung thu siêu ngon mà không cần lò nướng dưới đây giúp bạn có được những chiếc bánh thơm ngon bằng phương pháp đơn giản nhất. Tìm hiểu ngay nhé.

Mỗi độ Trung Thu về, những tiệm bánh lại bày bán khắp các con phố mang đến không khí ấn tượng cho ngày tết thiếu nhi này. Chúng cũng làm mỗi người thêm rộn ràng hơn, chờ đón ngày đặc biệt trong năm.

Hiện nay, ngoài những thương hiệu bánh truyền thống, nhiều người cũng đầu tư thời gian tự chuẩn bị các loại bánh để chiều lòng thành viên trong gia đình. Không chỉ thể hiện được tình cảm gia đình mà còn giúp mang đến những chiếc bánh thơm ngon, an toàn và vệ sinh hơn.

Có lẽ vì thế mà những công thức chế biến bánh Trung thu tại nhà được nhiều người tìm kiếm. Nhưng làm sao làm được nếu như không có lò nướng? Nếu bạn đang băn khoăn điều này hãy cùng JAMJA’s Blog chia sẻ nội dung dưới đây để có công thức làm bánh Trung thu đơn giản nhất. Chắc chắn gia đình bạn sẽ ngạc nhiên vì sự khéo léo và tỉ mỉ của bạn đấy!

Làm bánh nướng trung thu bằng nồi cơm điện

Bánh trung thu

Nguyên liệu cần có

Bạn có thể tự tay làm những chiếc bánh trung thu nướng ngay tại nhà với những nguyên liệu làm cũng rất đơn giản, dễ kiếm trong các siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi.

Phần nước đường:

  • 600gr đường phèn
  • 400ml nước
  • 1 đến 2 quả chanh vàng
  • 50gr kẹo mạch nha
  • 40ml nước tro tàu

Phần vỏ bánh:

  • 1 gói bột làm bánh bán sẵn trung thu ở siêu thị
  • 50ml dầu dừa
  • 1 đến 2 quả trứng gà, không nên dùng trứng vịt thì sẽ bị tanh
  • 2 thìa cà phê ngũ vị hương

Phần nhân:

  • 300gr đậu xanh
  • 200gr đường trắng
  • 1 gói bột làm bánh dẻo bán sẵn ở siêu thị
  • 50ml nước cốt dừa

Các bước thực hiện

Bước 1: Làm nước đường làm bánh

Vắt chanh để lấy nước cốt, chú ý bỏ hạt còn với nước tro tàu thì hòa với nước lọc.

Đường phèn khuấy tan với nước rồi sau đó cho vào nồi và đun sôi mở nắp trong khoảng từ 10 đến 20 phút. Việc khuấy tan đường sẽ làm cho hỗn hợp được đều màu hơn và giữ được màu lâu hơn. Việc đun nước đường sẽ không tránh khỏi bị nổi bọt nên bạn cẩn thận hớt hết bọt để phần bánh không bị nổi váng mà không bị đều màu.

Khi hỗn hợp đường sôi được tầm 25 phút thì để lửa nhỏ và cho cốt chanh vào đun tiếp khoảng từ 30 đến 40 phút. Cho kẹo mạch nha và nước tro tàu vào cùng, đun tiếp khoảng từ 20 phút rồi tắt bếp, mở nắp rồi để cho nguội hẳn.

Việc đòi hỏi với công việc làm nước đường này là hạn chế khuấy quá nhiều, sẽ làm cho hỗn hợp tạo bọt nhiều hơn, sẽ làm cho vỏ bánh bị mềm, không có độ giòn và để lâu sẽ bị ướt nếu không được bảo quản trong tủ lạnh.

Bước 2: Làm nhân bánh trung thu

Ngâm đậu xanh từ 3 đến 4 tiếng với nước ấm, có thể ngâm qua đêm cho đậu được mềm và lọc hết vỏ đi. Bạn cũng có thể đãi vỏ đậu xanh trước khi ngâm để nhân bánh có màu vàng đẹp mà đều màu.

Sau khi ngâm xong, bạn có thể đãi qua một lượt nữa cho sạch rồi sau đó cho vào nồi, đổ ngập mặt đỗ, đun cho đến khi cạn nước, có thể cho thêm một chút muối để đậu xanh được đậm đà. Đun sao cho đậu xanh chín mềm.

Tranh thủ khi đỗ xanh còn nóng, dùng một cái thìa dẹt bằng gỗ nghiền cho thật mềm đỗ xanh cho đến khi đỗ mịn thành một khối bột. Nếu muốn tiết kiệm thời gian thì có thể cho vào máy xay, xay cho thật nhuyễn. Cho đường, nước cốt dừa, 2 đến 3 thìa cà phê bột làm bánh trung thu, một chút dầu ăn và cho vào một nồi nhỏ và sên cho đến khi hỗn hợp sánh lại.

Đây là cách làm nhân bánh nướng truyền thống với nhân đỗ, nhưng bạn muốn có một chút sáng tạo thì cũng có thể cắt nhỏ trứng muối và bọc bằng nhân bánh đỗ xanh.

Bước 3: Làm vỏ bánh trung thu

Đối với nước đường vừa làm, bạn dùng chúng để trộn lòng đỏ trứng gà, dầu ăn, 1 đến 2 thìa cà phê ngũ vị hương và trộn đều chúng với nhau. Để bột bánh không bị vón cục khi đổ vào hỗn hợp trên thì bạn nên rây chúng qua rây bột cho mịn, đổ từ từ từng đợt một, vừa đổ vừa khuấy cho bột được trộn đều mà không bị vón lại.

Sau khi trộn xong hết phần bột thì để khối bột vào mặt thớt rộng có rải một lớp bột chống dính lên, sau đó nhào bột cho khối bột thật mịn và đều, nhồi bột khoảng 4 đến 6 phút rồi sau đó bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, bảo quản bằng ngăn mát tủ lạnh tầm từ 20 đến 30 phút cho bột nghỉ.

Rây bột

Bước 4: Định hình cho bánh

Cho đây là cách làm bánh trung thu không cần lò nướng nên dụng cụ để nướng bánh sẽ là nồi cơm điện. Tuy nhiên với cách làm này bánh vẫn đem lại hương vị thơm ngon không kém gì dùng lò nướng.

Chuẩn bị một vài tấm giấy nến, lau sạch phần bên trong nồi rồi sau đó lót phần giấy nến lại. Để món bánh nướng được thơm ngon hơn, bạn nên làm nóng nồi cơm trước bằng cách bấm nút “Cook” rồi sau đó dùng chổi phết một lớp bơ hoặc dầu ăn xuống đáy nồi rồi lót phần giấy nến lên.

Sau khi định hình cho bánh bằng khuôn có sẵn, bạn cho bánh vào nồi, xếp khoảng cách giữa các bánh xa nhau để tránh bị dính rồi bấm nút nấu. Thường với nồi cơm sẽ có chế độ nấu tầm 35 đến 50 phút, bạn đợi cho đến khi nồi cơm chuyển sang chế độ giữ nóng thì tiếp tục ấn nút cook để nướng lần hai. Làm như vậy cho đến khi bánh đạt độ vàng như ý muốn.

Bánh nướng

Nếu không muốn bánh bị khô thì mỗi lần chuyển sang chế độ hấp, bạn mở nắp rồi quết lên trên bề mặt bánh lớp nước đường còn sót lại để bánh được thơm và có độ giòn nhất định.

Bánh trung thu khoai tím ngon miệng, bắt mắt

Hãy thử thay đổi màu sắc bánh trung thu để trông bắt mắt hơn, hấp dẫn hơn. Cách tạo màu vô cùng đơn giản, không cần sử dụng phẩm màu thực phẩm, chỉ cần từ nguyên liệu tự nhiên là đủ. JAMJA’s BLOG mách cho bạn thêm cách thực hiện làm món bánh trung thu từ khoai lang tím cực đẹp mắt, không cần sử dụng lò nướng.

Bánh trung thu khoai tím

Nguyên liệu cần có

  • Khoai lang tím: 500g
  • Nhân đậu xanh: khoảng 300g, có thể mua sẵn ở bên ngoài
  • Đường: 120g
  • Dầu ăn: 20ml
  • Sữa đặc

Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế khoai lang

Khoai sau khi mua về bạn đem rửa sạch, sau đó gọt vỏ. Khoai sau khi gọt vỏ xong hãy ngâm vào chậu nước lạnh để tránh bị đen. Sau đó bạn thái khoai thành từng miếng hình quân cờ.

Bước 2: Hấ p khoai lang

Chuẩn bị nổi hấp. Đổ một ít nước bên dưới. Sau đó bạn bắc nồi hấp lên bếp, cho khoai lên vỉ và hấp đến khi khoai chín.

Bước 3: Nghiền nát khoai lang

Lấy khoai tím đã hấp chín vào bát, sau đó dùng môi nghiền thật nát khoai. Bạn có thể cho khoai qua rây để loại bỏ xơ khoai đi, phần nhân bánh sẽ ngon hơn. Sau đó bạn có một ít sữa đặc vào để bánh có vị ngọt và thơm hơn. Bạn có thể nếm thử để xem vị ngọt đã vừa miệng chưa.

Bước 4: Vắt khoai thành từng miếng nhỏ để nặn bánh. Nhân đậu xanh cũng vo thành từng viên nhỏ.

Bước 5: Lấy một cục khoai ấn dẹt xuống. Tiếp tục cho một ít nhân đậu xanh vào rồi vo tròn lại, tránh để nhân bị phèo ra ngoài. Làm cho đến khi hết nguyên liệu

Bước 6: Chuẩn bị khuôn bánh khô và sạch. Dùng chổi quét một lớp dầu ăn mỏng vào khuôn. Sau đó thì cho viên khoai vào, ấn xuống để tạo hình.

Vậy là bạn đã làm xong món bánh trung thu từ khoai lang tím và đậu xanh cực đơn giản rồi. Bạn có thể thưởng thức ngay và luôn nhé.

Xem thêm:

Bánh trung thu dẻo ngũ sắc

Bánh dẻo ngũ sắc

Nguyên liệu cần có

Phần vỏ bánh

  • Bột nếp: 700g
  • Đường: 400g
  • Nước lọc: 700ml
  • Nước hoa bưởi: 30ml
  • Khoai lang tím: 1 củ
  • Củ dền: 1 củ
  • Bột trà xanh: 10g
  • Bột cacao: 15g
  • Nước cốt chanh: 30ml
  • Dầu ăn: 15ml

Phần nhân bánh

  • Đậu xanh: 500g
  • Mạch nha: 20ml
  • Đường: 80g
  • Dầu ăn: 80ml

Các bước thực hiện

Bước 1: Làm vỏ bánh

– Cho đường vào nước lọc, hòa tan sau đó đun sôi lên. Sau khoảng 10 phút thì tắt bếp, nhắc xuống rồi để nguội.

– Trong thời gian này bạn tiến hành sơ chế củ dền và khoai lang tím. Đem rửa sạch tất cả, gọt vỏ sau đó đem đi hấp chín. Tiếp tục xay riêng từng loại cho nhuyễn hoặc dùng muỗng dằm nát đều được.

– Trà xanh và ca cao: mỗi thứ cho vào bát riêng, thêm nước vào và hòa tan

– Khi nước đường đã nguội, cho thêm nước hoa bưởi, nước cốt chanh và dầu ăn vào. Hòa đều lên.

Bước 2: Trộn bột

Trừ lại 100g bột. Còn lại cho tất cả vào tô rồi nhồi cho đến khi cục bột dẻo, không bị dính tay. Sau đó bạn chia bột ra thành 5 phần, có thể chia đều nhau hoặc không, tùy vào màu bạn thích.

Bước 3: Tạo màu bột

Trừ lại một cục bột màu trắng rồi tiến hành pha màu cho 4 cục bột còn lại.

– Màu tím: cho khoai lang tím đã xay

– Màu xanh: cho hỗn hợp trà xanh

– Màu nâu: cho hỗn hợp caocao

– Màu hồng: cho củ dền xay

Cho những nguyên liệu này vào từng cục bột riêng biệt sau đó nhào bột thật đều.

Bước 4: Làm nhân

Đậu xanh tách vỏ bạn nên ngâm trước 6 – 7 tiếng để khi nấu nhanh chín nhừ hơn. Sau khi đãi sạch đậu xanh, bạn cho vào nồi hấp và hấp cho đến khi đậu chín mềm thì lấy ra. Nhanh chóng dùng muỗng để nghiền nhuyễn đậu.

Tiếp theo bạn cho đậu vào chảo có sẵn chút dầu ăn. Đảo cho đến khi thấy nhân đậu hơi khô thì cho vào khoảng 2 thìa bột làm bánh dẻo. Đảo đều rồi tắt bếp. Cuối cùng cho mạch nha và trộn đều nữa là được.

Đợi đến khi nhân nguội thì chi nhân thành từng viên tròn nhỏ. Kích thước thường nhỏ bằng 1/2 bánh.

Bước 5: Nặn bánh

Ấn dẹt phần bột làm vỏ bánh, sau đó cho nhân bánh vào vo tròn lại. Tiếp tục dùng 100g bột khô lúc nãy đã chừa lại, lấy một ít phết vào khuôn để bánh không bị dính. Sau đó cho bột vào khuôn rồi ấn chặt bột xuống cho thành hình. Cuối cùng úp ngược khuôn gõ nhẹ vào phần đế để lấy bánh ra. Làm lần lượt như vậy cho đến khi hết nguyên liệu.

Vậy là bạn đã hoàn thành xong món bánh ngũ sắc cực đẹp mắt cho ngày Trung Thu thêm vui rồi đó.

Bánh trung thu kem lạnh kiểu Nhật Bản

Không giống như những loại bánh trung thu truyền thống thông thường, những chiếc bánh đến từ Nhật Bản này có hương vị thơm ngon khác lạ, ai ăn cũng nghiền cho xem.

Bánh trung thu kem lạnh kiểu Nhật Bản

Nguyên liệu cần có

– Bột nếp: 200g

– Bột bắp: 80g

– Mật ong: 3 thìa cà phê

– Đường: 280g

– Nước lạnh: 400ml

– Mứt: 40g (chọn vị mứt tùy ý, có thể chọn mứt dâu, mứt cam…)

– Kem vị tùy thích

Các bước thực hiện

Bước 1:  Trộn bột

Cho bột nếp + đường + mật ong + mứt xoài + nước lọc vào cùng một bát tô, sau đó trộn đều lên. Tiếp tục mang đi hấp cách thủy, sau khoảng 15 phút thì bột chín, lấy bát bột ra, đổ vào mâm. Dùng bột bắp đổ lên trên bột đã hấp rồi dùng cán cán bột mỏng ra.

Bước 2: Khi thấy bột đã nguộ, bạn cắt bột thành 12 – 15 phần bằng nhau. Lúc này sẽ vẫn có bột sống dính trên bột, bạn có thể dùng chiếc cọ để quét phần bột sống này đi.

Bước 3: Chuẩn bị sẵn màng bọc thực phẩm, cho từng miếng bột vào từng miếng bọc thực phẩm riêng. Sau đó cho kem vào giữa rồi túm 4 góc lại. Có thể dùng dây chun để cố định, làm như vậy cho đến khi hết nguyên liệu. Cho toàn bộ bánh vào ngăn đá, sau khoảng 1 tiếng thì lấy ra, gỡ màng bọc là có thể sử dụng luôn rồi đó.

Với loại bánh này, nếu ăn không hết bạn vẫn có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh và lấy ra ăn dần. Tuy nhiên, trước khi ăn hãy đưa xuống ngăn mát trước để rã đông rồi hẵng lấy ra ăn nhé.

Bánh trung thu dẻo lá dứa

Những chiếc bánh có màu xanh lá dứa luôn có sự hấp dẫn khó cưỡng nhờ có màu xanh nhạt đẹp mắt và mùi thơm lá dứa thoang thoảng.

Bánh trung thu dẻo lá dứa

Nguyên liệu cần có

Phần vỏ bánh:

– Bột bánh dẻo: 500g

– Đường: 700g

– Nước lọc: 900ml

– Chanh: 1 quả

– Dầu ăn: 1 thìa canh

– Nước hoa bưởi: 4 thìa cà phê

– Lá dứa: 10 lá

Phần nhân:

– Trứng muối

– Đậu xanh: có thẻ mua loại nhân đậu xanh đã làm sẵn để tiết kiệm thời gian.

Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế lá dứa

Lá dứa sau khi mua về bạn đem rửa sạch. Sau đó thì đem cắt thành từng khúc nhỏ rồi cho vào may xay, xay nhuyễn. Tiếp tục đổ hỗn hợp qua rây để loại bỏ bã.

Bước 2: Cho đường vào nước lá dứa đã lọc. Khuấy đều rồi cho vào bếp đun lên. Có một mẹo nhỏ đó là bạn hãy cho thêm nước cốt chanh vào để đường không bị kết tinh trở lại. Sau khi cho nước cốt chanh vào, bạn nấu thêm tầm 10 phút nữa thì nhắc nồi xuống

Bước 3: Tiếp tục cho nước hoa bưởi cùng với một chút dầu ăn vào hỗn hợp trên và khuấy thật đều. Tiếp tục cho bột bánh dẻo vào trộn đều rồi đổ ra mâm và nhồi cho đến khi tạo thành một cục bột mềm mịn. Nhớ trừ một ít bột khô lại bạn nhé.

Bước 4: Nặn bánh

Chia bột ra thành từng viên nhỏ bằng nhau. Phần nhân đậu xanh cũng vậy. Để nặn bánh, đầu tiên bạn hãy ấn dẹt bột ra, sau đó cho nhân đậu xanh vào, dàn đều rồi cho trứng muối vào giữa. Giờ thì hãy vo tròn bột lại thật khéo léo để phần nhân không bị lộ ra.

Ấn bột thặt chặt tay vào khuôn để tạo hình rồi lại lấy ra và thưởng thức thôi. Cách làm bánh trung thu không cần lò nướng này cực đơn giản đúng không nào.

Xem thêm:

Bánh trung thu dẻo nhân custard

Một loại nhân bánh không hề mới lạ nhưng khi được dùng làm nhân bánh dẻo thì lại có hương vị khác biệt khiến nhiều người ăn và nghiện đấy.

Bánh trung thu dẻo nhân custard

Nguyên liệu cần có

Phần vỏ bánh:

– Bột làm bánh dẻo: 400g

– Đường: 250g

– Bột bắp: 100g

– Sữa tươi: 1 lít

– Bơ

Phần nhân bánh:

– Bột mì: 60g

– Bột bắp: 60g

– Bột custard: 120g

– Đường: 240g

– Sữa: 900ml

– Trứng gà: 2 quả

– Bơ

Các bước thực hiện

Bước 1: Làm vỏ bánh

– Cho bột bánh dẻo và bột bắp vào trộn đều với nhau

– Chuẩn bị một chiếc nồi nhỏ, cho sữa, bơ và đường, khuấy đều rồi bật lửa nhỏ và nấu sôi cho bơ tan hết rồi tắt bếp. Cho hỗn hợp này vào hỗn hợp bột ở trên, trộn đều và nhồi thành cục bột mềm mịn.

Bước 2: Làm nhân

– Trừ bơ ra, bạn cho tất cả các nguyên liệu làm nhân vào cùng một bát, trộn thật đều lên.

– Bắc chảo lên bếp, cho bơ vào nấu tan chảy rồi cho hỗn hợp nhân vào chảo nấu với lửa nhỏ cho đến khi thấy hỗn hợp này sánh lại thì tắt bếp.

Bước 3: Nặn bánh

Cách nặn món này cũng tương tự như cách làm các loại bánh trên. Cho nhân custard vào giữa rồi vo tròn lại, cho vào khuôn, ấn xuống rồi lấy bánh ra và thường thức thôi.

Bánh trung thu rau câu vị bơ

Thay vì làm bánh bằng bột nếp thông thường, năm nay hãy thử đổi vị bằng cách làm bánh trung thu từ bột rau câu mà xem. Vị mát lạnh lại béo ngậy tan ngay trong miệng rất đáng để thử.

Bánh trung thu rau câu vị bơ

Nguyên liệu cần có

– 20g bột rau câu

– 200g đường

– 250ml nước cốt dừa

– 400ml sữa tươi có đường

– 600g thịt bơ chín

Các bước thực hiện

Bước 1: Pha bột làm nhân

Cho 1/3 bột rau câu + 1/3 lượng đường vào một chiếc nồi nhỏ, dùng đũa khuấy đều hỗn hợp, rồi cho nước cốt dừa vào, khuấy đều lần nữa rồi đun sôi rồi tắt bếp. Nhanh tay đổ hỗn hợp ra khuôn cho thạch đông lại.

Bước 2: Làm phần vỏ bánh

Trong lúc chờ đợi rau câu đông lại, bạn tiến hành làm phần nhân để tiết kiệm thời gian. Cho toàn bộ phần thịt bơ và 2/3 lượng sữa tươi vào máy xay, xay nhuyễn. Tiếp tục cho lượng bột thạch + đường + sữa tươi còn lại vào nồi cùng với hỗn hợp bơ ở trên, khuấy đều rồi lại đun sôi và tắt bếp.

Giờ thì hãy nhanh tay múc hỗn hợp này vào khuôn bánh trung thu. Nhưng chỉ cho vào đến 1/3 khuôn thôi. Sau đó cho một ít nhân cốt dừa vào, rồi lại đổ hỗn hợp bơ lên cho đầy khuôn. Nhanh tay làm hết nguyên liệu, đợi khi thạch đông cứng lại rồi thì tách ra khỏi khuôn và sử dụng thôi.

Để thưởng thức món bánh này ngon nhất, hãy cho bánh vào ngăn mát tủ lạnh để một lúc cho mát rồi ăn nhé.

Cách thưởng thức bánh trung thu với trà nóng

Điều tuyệt vời nhất khi đến ngày Rằm Trung Thu đó là được thưởng thức bánh trung thu ngon tuyệt cho tự tay mình làm với những loại trà mạn thơm ngon bên gia đình và bạn bè.

Bánh trung thu thơm ngon vốn dĩ rất phù hợp với tất cả các loại trà, chủ yếu được lựa chọn nhiều nhất đó là trà nhài, trà lá xanh hay trà sen, hương vị tinh tế, thanh tao sẽ làm nhẹ dịu đi vị ngọt của bánh, làm cho hương vị ngọt thơm lưu lại đầu lưỡi.

Bánh trung thu và trà nóng

Trên đây là cách làm bánh trung thu không cần lò nướng mà JAMJA’s BLOG giới thiệu cho các bạn để có thể tự tay làm những món bánh thơm ngon đảm bảo để có thể tiếp đãi gia đình và bạn bè trong ngày Rằm Trung Thu. Chúc bạn thành công và ngon miệng!

5/5 - (3 votes)

Comments

comments