Học ngay cách làm chả thủ ngon đúng điệu đón Tết Nguyên Đán

4145

Cách làm chả thủ ngon đúng điệu để đón Tết đang đến gần. Món ăn truyền thống này sẽ giúp những bữa tiệc cuối năm của gia đình bạn thêm tuyệt vời hơn đấy!

Giò thủ hay còn gọi là giò xào, giò mỡ. Ở một số địa phương khác nhau nhưng về cơ bản cách chế biến tương tự như nhau. Giò thủ là món ăn truyền thống thường được chế biến vào dịp Tết Nguyên Đán. Đây cũng là thời gian miền Bắc lạnh vì thế những món ăn lạnh kiểu này có thể thành hình và giữ được hương vị thơm ngon khi bảo quản.

Sự hòa quyện của các loại thịt sau khi xào lên, gia vị, nấm hương, mộc nhĩ làm tăng hương vị độc đáo của món ăn này. Món giò có độ béo nhất định khi ăn kèm với dưa món, dưa hành giúp điều vị khiến món ăn trở nên độc đáo và thú vị hơn khi thưởng thức.

Dù là món ăn truyền thống nhưng không phải ai cũng có thể biết cách chế biến món ăn độc đáo này. Liệu rằng bạn đã nắm được cách làm chi tiết hay chưa? Nếu quan tâm đến thông tin này cùng vào bếp với JAMLA’s Blog ngay nhé!

Món chả thủ (giò thủ) ngày Tết

Mỗi dịp Tết đến xuân về là trên mỗi bữa cơm sum vầy lại có món giò thủ xào. Món ăn cổ truyền này đã có từ rất lâu. Nó tượng trưng cho sự êm ấm gia đình, phúc lộc tràn đầy. Món ăn tuy nguyên liệu cầu kỳ nhưng dân dã. Nếu khéo tay một chút, bạn đã có được món ăn ngon cho bữa cơm ngày Tết thêm ấm cúng.

chả thủ có nguyên liệu chính từ thủ lợn

Giò thủ hay giò xào nguyên liệu chính là lấy từ phần thủ lợn hay đầu lợn. Thủ lợn bao gồm thịt tai, mũi và lưỡi lợn. Tùy vào từng nhà mà phần nguyên liệu có thể thay đổi nhưng phần lưỡi lợn và tai lợn là luôn xuất hiện, nó giúp món ăn thêm giòn sật, ngon miệng.

Lưu ý khi lựa chọn nguyên liệu làm chả thủ sao cho ngon

Đối với món ăn nào cũng thế, phần nguyên liệu nên lựa chọn thật tươi ngon cho thành phần được hoàn hảo.

Khi chọn thủ lợn

– Tai lợn lựa chọn nên dầy tai. Trên tai không xuất hiện các vét bầm tím bất thường, không có nhớt hay dấu hiệu của mùi lạ.

– Phần lưỡi lợn tươi ngon là phần lưỡi phải dày và tròn, màu lưỡi sáng, phần tiếp giáp với cuống họng không có dấu hiệu bị đóng huyết, trắng đều.

– Mũi lợn chọn màu sang, không xuất hiện vết thâm bất thường nào. Bạn có thể thay phần mũi lợn bằng phần má lợn cũng được.

– Khi chọn thịt lợn, bạn cần cảnh giác với thịt tẩm hóa chất. Không nên ham thịt lợn nạc quá. Một miếng thịt lợn tươi và ngon thì miếng thịt cần đảm bảo khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc của thịt bình thường. Khối thịt khi cầm phải săn chắc. Khi ấn tay vào thịt có độ đàn hồi cao. Đường cắt mặt thịt khô ráo, thịt hơi rít, cơ hơi se lại. Lớp bì của thịt mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà, khi ngửi không có mùi gắt dầu. Với món ăn này, các bạn nên dùng thịt có mỡ như thịt ba chỉ hay thịt chân giò đều ngon.

Khi chọn các nguyên liệu khác

– Phần tiêu và nước mắm là hai nguyên liệu quan trọng trong món ăn này. Nó giúp món ăn thêm dậy mùi, ngon cả vị giác lẫn khứu giác. Do đó, bạn không nên bỏ bớt 2 thành phần này.

– Khuôn ép giò bây giờ khá phổ biến, xuất hiên ở ngoài chợ hay trong siêu thị. Nếu có thể bạn nên mua khuôn ép, giúp món giò ép chặt hơn, ăn ngon hơn so với dùng chai, lọ hay dùng lá gói làm khuôn. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu thì cùng tham khảo cách làm dưới đây nhé.

Xem thêm:

Cách làm chả thủ tại nhà ngon đúng vị

Nguyên liệu làm chả (giò) thủ

– Tai lợn: 1 cái

– Mũi lợn: 1 cái

– Lưỡi lợn: 1 cái

– Thịt chân giò : 500 gr

– Mắm cốt: 2 muỗng

– 2 thìa cà phê muối hột

– Hạt tiêu: 2 thìa cà phê

– 100 gr mộc nhĩ (nấm mèo)

– 100 gr nấm hương

nguyên liệu cần thiết để làm giò thủ

Cách làm chả thủ thơm ngon

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

– Đem mộc nhĩ và nấm hương ngâm trong nước thật nở. Để rút ngắn thời gian, bạn có thể ngâm mộc nhĩ, nấm hương trong nước sôi cho nở là được.

– Thịt heo, tai, mũi, lưỡi lợn bạn mua về rửa sạch với nước. Đun một nồi nước sôi lên, trụng các nguyên liệu vào nước sôi. Cách này dùng để khử mùi hoặc chất bẩn bám trên nguyên liệu. Đặc biệt là phần bề mặt lưỡi có màng trắng dầy chất bẩn, bạn nên trụng nước sôi kỹ phần đấy và đem cạo thật sạch. Phần tai lợn có chất bẩn ở phần cuống tai, do dó bạn nên lưu ý làm sạch. Tiếp đó đêm hết phần thịt heo sát một lần nữa với dấm và muối hột trong 5 phút cho thịt hết hẳn mùi hôi. Sau đó đem rửa sạch với nước, để ráo.

ướp gia vị cho nguyên liệu

– Tiếp đó, đem thịt thái với độ dày vừa phải, cỡ 0,5 cm. Không nên cắt mỏng quá, dẫn đến thịt xào bị nát. Sau khi thái xong, bạn cho hết phần thịt vào âu lớn, ướp với tiêu, nước mắm và muối. Ướp trong khoảng 2 tiếng đến 3 tiếng cho thật ngấm gia vị. Giò xào là món cầu kỳ trong khâu ướp nguyên liệu nên phần thịt bạn ướp càng lâu sẽ càng ngon.

Xem thêm:

– Nấm hương, mộc nhĩ sau khi đã ngâm nở, rửa sạch với nước lần nữa. Sau đó đem cắt bỏ phần chân, rồi thái cỡ 1 cm.

Bước 2: Đảo giò

Sau khi phần thịt đã ngâm gia vị, bắc chảo lên bếp, rồi cho phần thịt vào, xào ở lửa trung bình. Đảo đều tay cho thịt săn lại, dậy mùi thơm của nước mắm và tiêu. Trong khi xào, bạn nêm nếm lại cho thật vừa ăn. Xào thật kĩ khoảng 20 đến 30 phút.

Tùy vào khẩu phần nguyên liệu thì bạn cho phần mộc nhĩ, nấm hương vào đảo cùng. Xào thêm một lúc nữa cho đến khi phần thịt chảy mỡ, mùi thơm của mộc nhĩ, nấm hương và phần thịt xào quyện với nhau.

Bạn nên lưu ý rằng phần xào này quyết định độ ngon của giò. Nếu bạn xào thịt quá kỹ sẽ khiến giò bị khô, xào chưa đủ thì giò ăn không được thơm. Xào mộc nhĩ quá lâu khiến mộc nhĩ không giữ được độ giòn, khi thành phẩm kém ngon. Bạn chỉ nên xào thịt ở độ ra mỡ và hơi cháy cạnh là được.

xào nguyên liệu với nhau

Bước 3: Gói giò

– Ngay sau khi thịt xào chín, bạn nên chuẩn bị gói giò ngay khi nó còn nóng. Giò xào cần phải gói thật chặt tay. Nếu bạn gói bằng lá chuối, bạn nên xếp nhiều lá tránh bị rách trong quá trình gói. Bạn cho phần thịt giò ra lá chuối. Sau đó cố định một dầu thì cho cây giò thủ đứng lên, dùng vật nặng ép giò thật chặt xuống. Nếu phần mỡ trong giò thủ chảy ra cũng không sao. Sau đó, bạn gói giò thật chặt, dùng hai vật nặng ép cho miếng giò thật chặt cho nguội mới thôi. Vậy là có ngay món ăn ngày lễ Tết ngon đậm vị rồi.

– Ngoài ra gói giò bằng khuôn inox tiện lợi hơn rất nhiều. Khuôn inox bạn rửa sạch, để khô. Ngay khi thịt còn nóng, bạn cho ngay vào khuôn inox, ép xuống rồi dùng miếng lèn. Bạn cần ép cho miếng giò thật chặt, phần mỡ chảy xuống nên lúc bạn ép giò nên để đĩa phía dưới khuôn. Sau đó, bạn để giò trong khuôn cho bớt nóng rồi cho vào tủ lạnh để mấy tiếng cho nguội hẳn và thành hình đẹp mắt. Tiếp đó, bạn bỏ phần giò ra khỏi khuôn, để vào tủ lạnh, dùng dần.

Giò thủ khi thành phẩm ăn đậm đà, ngậy của mỡ mà độ giòn giòn, sần sật vừa đủ là được. Cách làm chả thủ tuy có cầu kỳ nhưng để đón Tết nguyên đán sắp đến gần, việc tự tay làm một mâm cỗ tươm tất cho cả gia đình thì không gì là quá khó phải không nào. Chúc các bạn thành công!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của JAMJA’s BLOG.

5/5 - (3 votes)

Comments

comments